Có một quy tắc rất nổi tiếng mà hầu như ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua, “Nếu bạn dành ra 10.000 giờ để thực hiện một công việc nào đấy thì bạn sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.”
Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc…
Bạn học tiếng Anh chục năm trời nhưng khi nói vẫn sai những lỗi rất cơ bản mãi không khắc phục được?
Bạn dành mỗi cuối tuần để đá banh nhưng vẫn không trở thành cầu thủ đắt giá?
Bạn hát mọi lúc mọi nơi mọi thời điểm nhưng vẫn không qua được vòng sơ tuyển The Voice?
Đây là LÝ DO TẠI SAO!
____________________________
Quy tắc 10.000 giờ của Malcolm Gladwell khiến chúng ta lầm tưởng rằng chỉ cần dành thời gian thật nhiều cho một thứ gì đó thì ta sẽ đạt được những thành tích vượt trội và xuất sắc, như một lẽ hiển nhiên, phần thưởng cụa sự cố gắng.
Nhưng không đâu các bạn ạ, Chai-en đã dành cả thanh xuân cho việc ca hát nhưng qua hàng trăm tập truyện thì tất cả những gì cu cậu làm được vẫn mãi là tra tấn màng nhĩ cụa mọi người thôi. Còn Nobita thì hậu đậu vẫn hoàn hậu đậu, không lẫn vào đâu được.
Cái sai cụa Malcolm khi đưa ra quy tắc trên là vì quên không nhấn mạnh với chúng ta rằng, 10.000 giờ đó không phải là những giờ luyện tập bình thường đâu nhé, nó phải là Deliberate Practice cơ!
Deliberate Practice dịch ra tiếng Việt có nghĩa là Luyện tập có chủ đích. Cách luyện tập này khác với luyện tập thông thường ở chỗ là mình có mục đích và hệ thống rõ ràng khi tập luyện. Hoặc nói cách khác, đó là khi bạn tập trung cao độ để cải thiện kĩ năng của mình, cũng như là loại bỏ đi những khuyết điểm mà mình hay mắc phải.
Bạn hãy nhớ lại xem, cái lúc bạn mới tập lái xe ấy, khó khăn biết nhường nào, vì phải ghi nhớ chân nào là chân côn, chân nào là chân thắng, rồi khi lên cầu mình cần những thao tác gì, xuống dốc thắng gấp thì đạp bóp ra sao. Nhưng dần dà mọi thứ trở nên quen thuộc và ăn sâu vào não bạn, nên bây giờ mỗi lần lái xe bạn không bao giờ cảm thấy căng thẳng vì phải nghĩ ngợi điều chi nữa. Ngày qua ngày, bạn tin rằng mình đã là một tay lái cừ khôi vì “ủa, tao lái xe cả chục năm nay rồi nha?!”
Haha vậy là bạn bị lừa rồi đấy. Việc lặp đi lặp lại một hành động chỉ khiến cho não bộ “lờn” và “chai mặt” với hành động đó thôi, chứ không giúp bạn tiến bộ thêm xíu nào về mặt kĩ thuật . Nếu ngay từ đầu bạn được một ông thầy “dởm” dạy cho tập xe, thì sau chừng mười mấy năm trời khả năng cao là bạn vẫn sẽ lái xe theo những thói quen xấu nếu như không một ai đó tốt bụng chỉ ra cho bạn lỗi sai trú ngự nơi nao.
Kể nhỏ cái cho nghe, ví dụ trên thực ra là mình đó. Lái xe chục năm trời xong một ngày nọ bạn đằng sau hét toáng lên oai oái “chờiiiiii ơiii, sao có thể chặn đầu xe lớn như vậy được dzậy hả?” Thề với các bạn là mình lúc đó hoang mang vô cùng, vì mình thiệt không hiểu bạn mình đang nói gì luôn, kiểu trong đầu mình hoàn toàn không tồn tại khái niệm “chặn đầu xe” là cái chi (well, you don’t know what you don’t know mà :b) Chỉ sau khi được khai sáng và hướng dẫn cặn kẽ chi tiết về cách khắc phục cái lỗi trên thì giờ mình mới dám tự tin là đã chạy xe an toàn hơn khi trước rất nhiều.
Đọc xong ví dụ trên chắc hẳn một vài bạn học trò sẽ mường tượng sơ sơ ra lý do tại sao đó giờ khi nói tiếng Anh, chỗ cần sờ thì mình không sờ, chỗ cấm đụng chạm thì lại sờ loạn xà ngầu hết lên đúng hong? Đó là lý do tại sao khi dạy, mình rất hay kêu các bạn đánh dấu tô đậm chỗ này nha, em bị mắc lỗi này nè nè nè. Chúng ta không thể làm tốt hơn nếu như không nhận ra được các khuyết điểm trong công việc của mình. Mọi SỰ TIẾN BỘ đều bắt nguồn từ SỰ NHẬN THỨC trước tiên.
Một giáo viên nếu như cứ bám lấy cách dạy cũ, các activities cũ, không chịu tìm tòi học hỏi thì dù có kinh nghiệm lâu năm cũng vẫn chỉ là một giáo viên “quá đát”.
Một hướng dẫn viên nếu cứ thuộc làu làu thông tin các địa danh, mà không trau dồi thêm kĩ năng giao tiếp, sự hài hước, cách khơi gợi óc tò mò nơi du khách thì cũng chỉ na ná cái ra-đi-ô với phiên bản ba-đê hơn.
Một người nghệ sĩ nếu cứ ở mãi trong trường phái của mình, không chịu khó giao thoa tiếp xúc với cái mới hơn thì tác phẩm chắc cũng bị rập khuôn trong một màu, không bức phá được.
Một vận động viên nếu không khắc phục được các lỗi kĩ thuật nhỏ xìu thì khi thi đấu vẫn sẽ còn bị đánh bại bởi sự quan sát và phân tích tinh tường của đối thủ.
Âu cũng phải học hỏi liên tục và cải tiến không ngừng, dù ở bất kì lĩnh vực nào.
Vậy sau đây là những bước cụ thể để bạn áp dụng phương pháp Deliberate Practice và nâng cao năng suất trong mọi việc bạn làm nè:
Bước 1: Chia nhỏ quá trình ra rồi băm thành trăm mảnh. Ví dụ: học tiếng Anh thì có nghe, nói, đọc, viết; trong nói có nhiều cái nhỏ nữa như là ngữ điệu, ngữ pháp, từ vựng,…
Bước 2: Xác định lỗi sai của mình. Bước này tốt nhất ta nên tìm những người thầy, mentor, hoặc những người giỏi hơn bạn về mặt chuyên môn để đưa ra những nhận xét giá trị và đầy tính xưng dựng, có như vậy ta mới dễ dàng tiến bộ được. Ví dụ khi đọc tiếng Anh mình hay bị thiếu “s” thì trong bài đọc chỗ nào có “s” có thể highlight lên như cảnh báo não bộ trước nè, có ếch mày ơi, có ếch, đọc chậm lại dùm cái nha bà nội ơi!
Bước 3: Thử nghiệm tất cả phương pháp để khắc phục lỗi sai và đánh giá xem hiệu quả như nào. Cách nào được thì xài, không được thì next nè.
Bước 4: Nãy mình băm người ta thành trăm mảnh rồi thì làm ơn làm phước gộp hết từng phần nhỏ xíu dô lại dùm. Ví dụ sau khi đọc được 1 câu hoàn chỉnh không dư không thiếu “s” thì mình tập đọc 1 đoạn xuất sắc, 1 đoạn ổn rồi thì chuyển sang đọc nguyên bài, nguyên bài okay luôn thì mai tập điều khiển “s” khi giao tiếp bình thường vài ba câu. Cứ như vậy mà tiến tới.
Mình lấy ví dụ tiếng Anh vầy thôi cho mọi người dễ hình dung chứ các bạn có thể áp dụng cho tất cả mọi lĩnh vực hết nghen. Hy vọng bài viết dài ngoằn đã giúp ích cho các bạn hiểu rõ hơn về cơ chế đúng của sự tiến bộ, chúc các bạn một ngày tốt lành nghen :>